Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, cụ thể là từ 6 tháng tuổi trở đi, nhiều bố mẹ khá vất vả trong việc chọn món ăn dặm như thế nào cho thật phù hợp với bé, giúp bé dễ dàng làm quen với việc ăn dặm. Để tránh những trường hợp như: trẻ lười nhai vì chưa quen với thực phẩm thô, trẻ dễ nôn hay không chịu ăn… phương pháp ăn dặm theo kiểu Nhật được đại đa số các bậc phụ huynh lựa chọn để bắt đầu giai đoạn ăn dặm, cụ thể nhất ở phương pháp này chính là món cháo rây từ phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.
Trong bài viết này, Bear Vietnam sẽ giới thiệu đến bạn cách nấu cháo rây cho bé ăn dặm vừa ngon, vừa hấp dẫn, giúp bé yêu bắt đầu làm quen với việc ăn dặm dễ dàng hơn bao giờ hết.
1. Nên cho bé ăn dặm bằng cháo rây khi nào?
Bé yêu nhà bạn có thể bắt đầu ăn cháo rây ngay trong những ngày đầu tiên tập ăn dặm vì món cháo này là món dành riêng cho trẻ vào giai đoạn đó. Tức là khi bé tròn 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, với nhiều bé đã có những biểu hiện muốn ăn dặm sớm như: đòi ăn, bắt chước nhai khi thấy người lớn ăn, ngậm thìa,…thì yêu cầu người mẹ phải nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của trẻ.
Thời gian được khuyên là thích hợp cho trẻ ăn dặm là lúc bé 5 – 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ ăn dặm trước 5 tháng và cũng không nên để bé tiếp xúc với ăn dặm quá trễ, cụ thể là sau 6 tháng. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm phức tạp và đặc hơn sữa mẹ.
Việc quan trọng trước mắt là mẹ cần đảm bảo cháo có độ thô phù hợp, tập cho bé làm quen một cách từ từ sau đó tăng dần trong những ngày tiếp theo. Điều này không chỉ hỗ trợ trẻ nhai, nuốt dễ dàng mà còn giúp hệ tiêu hóa của trẻ có quá trình thích nghi từ từ với những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ.
Giai đoạn từ 0-2 tuổi của bé được xem là thời kỳ quan trọng để xây dựng nền móng cho sức khỏe và trí tuệ của bé về sau này. Vì vậy, phụ huynh cần có kiến thức nhất định, tập trung cung cấp, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như chất béo, chất đạm, chất đường bột, các vitamin và khoáng chất như canxi, kẽm, vitamin A, vitamin D,… để bé được phát triển thông minh và khỏe mạnh trong giai đoạn “vàng” này. Trong đó, việc bổ sung chất dinh dưỡng cho bé thông qua việc ăn dặm là quan trọng và cần thiết.
Các phương pháp ăn dặm được nhiều gia đình áp dụng hiện nay là ăn dặm truyền thống, ăn dặm bé tự chỉ huy và ăn dặm kiểu Nhật. Trong đó, món cháo rây ăn dặm có nguồn gốc từ ăn dặm kiểu Nhật. Vì thế món cháo rây có thể được xem là món ăn dặm dinh dưỡng và thích hợp bé trong giai đoạn 5 – 6 tháng tuổi.
2. Ưu và nhược điểm khi chọn nấu cháo rây cho bé ăn dặm
Ở bất kỳ phương pháp hay món cháo ăn dặm nào đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, ở phương pháp ăn dặm kiểu Nhật với món cháo rây cũng tương tự. Phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ để có thể tạo ra được món cháo rây thật thơm ngon, bổ dưỡng cho bé yêu.
* Ưu điểm
– Giúp bé phát triển vị giác, cảm nhận được rõ nét hương vị của thực phẩm, kích thích quá trình ăn uống cho bé khi mới bước vào giai đoạn ăn dặm.
– Cháo ăn dặm chỉ lọc qua rây 1 lần vì thế vẫn giữ được độ thô của cháo, giúp trẻ dễ dàng phát triển khả năng nhai, nuốt tốt hơn khi cháo có độ lợn cợn nhất định.
– Bé yêu được tiếp xúc với món ăn dặm từ sớm sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn, giảm nguy cơ biếng ăn trong giai đoạn với tập làm quen với ăn dặm.
– Ăn cháo riêng, thức ăn riêng nên mẹ dễ dàng phát hiện được những thành phần mà trẻ bị dị ứng để không tiếp tục cho trẻ ăn chúng nữa.
* Nhược điểm
– Mất khá nhiều thời gian và công sức của mẹ trong quá trình chế biến cháo rây ăn dặm chuẩn kiểu Nhật vì phương pháp này yêu cầu về sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng cao.
– Bé có thể gặp một số vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm từ dụng cụ nấu ăn do không được vệ sinh sạch sẽ hoặc mẹ chưa thật sự nắm rõ về cách chế biến món cháo rây đúng chuẩn Nhật.
– Khó kiểm soát độ thô của cháo trong quá trình rây vì mẹ có thể vô tình làm lượng cháo tăng lên. Ngoài ra, khi mẹ pha cháo với nước dashi mà không kiểm soát liều lượng thì rất dễ khiến cháo bị loãng hoặc quá đặc so với mong muốn, dễ làm bé thiếu dưỡng chất và khó ăn.
3 cách nấu cháo rây cho bé ăn dặm theo kiểu Nhật
3.1. Chế biến cháo rây ăn dặm cho bé từ gạo
– Nguyên liệu cần chuẩn bị:
+ Gạo
+ Nước
+ Dụng cụ rây
+ Nước dashi với nước dashi là tên gọi chung của các loại nước dùng ở trong ẩm thực Nhật Bản và bao gồm nhiều loại như: nước dashi từ rong biển Kombu, từ rau củ, từ cá khô, xương gà, nấm hương,…
– Cách chế biến món cháo rây cho bé tập ăn dặm từ gạo:
Bước 1: Ngâm gạo trước khi nấu cháo cho bé, ngâm từ tối hôm trước để gạo mềm hơn, giúp việc nấu cháo cũng dễ dàng và ngon hơn cho trẻ. Sau đó mang gạo đi vo lại rồi cho vào nồi theo đúng tỉ lệ.
Bước 2: Mẹ cho nồi lên bếp, đun lửa nhỏ trong khoảng 40 – 45 phút rồi tắt bếp. Ủ cháo trong nồi thêm khoảng 15 – 20 phút nữa để cháo mềm nhừ, thơm hơn.
Bước 3: Cho phần cháo chín ra bát (đủ theo lượng ăn của con), thêm 1 chút nước dashi để cháo không bị quá đặc rồi cho lên rây để rây. Mẹ nên rây cháo 2 lần trong những ngày đầu để bé có thể ăn được dễ dàng hơn.
3.2. Chế biến cháo rây tập ăn dặm cho bé từ cơm
– Nguyên liệu cần chuẩn bị:
+ Cơm
+ Nước
+ Dụng cụ rây
+ Nước dashi
– Cách thực hiện món cháo rây cho bé ăn dặm từ cơm:
Bước 1: Đặt nồi lên bếp, cho cơm và nước theo tỷ lệ 1:5 (1 cơm và 5 nước) và đun sôi tới khi cơm mềm và nhuyễn mịn.
Bước 2: Mẹ đem cháo đi rây tương tự như khi nấu cháo rây ăn dặm từ gạo. Cho phần cháo chín ra bát, thêm 1 chút nước dashi rồi cho lên rây để rây cho cháo mịn.
3.3. Chế biến cháo rây cho bé tập ăn dặm từ bánh mì
– Nguyên liệu cần chuẩn bị:
+ Bánh mì
+ Nước
+ Dụng cụ rây
– Cách nấu cháo rây cho bé ăn dặm từ bánh mì:
Bước 1: Mẹ hãy cắt bỏ phần vỏ bánh mì, chỉ lấy phần ruột và xé nhỏ
Bước 2: Mẹ đun phần bánh mì cùng nước lọc hoặc nước dashi theo tỷ lệ 1:5 (1 bánh mì và 5 nước).
Bước 3: Đun nhỏ lửa trong khoảng 1-2 phút là món cháo rây từ bánh mì thơm ngon đã sẵn sàng cho bé thưởng thức.
Sau khi thu thập đầy đủ kiến thức về cách nấu cháo rây cho bé ăn dặm, các mẹ đã quyết định phương pháp nấu cháo rây nào phù hợp nhất cho bé chưa? Chúc bé của các mẹ được thưởng thức những bữa ăn dặm ngon và đầy đủ dinh dưỡng để giúp bé phát triển khỏe mạnh nhé!